“Ác mộng” lúc nửa đêm

Bạn vẫn hay trêu đứa em mỗi khi nó “dấm đài” lúc ngủ và tin rằng “đái dầm” chỉ xảy ra với bọn trẻ con thôi. Nhưng sự thực thì “dấm đài” vẫn có thể là chuyện - không - thể - bật - mí khi bạn đã lớn.

Kiên năm nay 15 tuổi nhưng buổi tối thỉnh thoảng vẫn hay “tè dầm”. Chỉ cần cậu uống quá nhiều nước hay quên đặt chuông đồng hồ để tỉnh dậy đi “tè” là sáng hôm sau biết ngay hậu quả. Bố mẹ cho Kiên uống thuốc này thuốc nọ và động viên “lớn rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi”. Nhưng Kiên đã 15 tuổi rồi mà tình hình vẫn không “thuyên giảm” tẹo nào. Kiên luôn thấy “xí hổ” và băn khoăn vì không hiểu đến bao giờ bệnh mới “đỡ”. Mỗi tối đi ngủ với Kiên thực sự là một cơn ác mộng.


“Tè dầm” vì đâu?

Khi chúng ta buồn “tè” tức là cái “bể chứa nước” (bàng quang) đã đầy rồi. Cảm giác “đầy ứ” này sẽ được chuyển đến “bộ chỉ huy cấp cao” (đại não). Sau khi xác nhận các thông tin chủ yếu là về địa điểm và tính an toàn, bộ chỉ huy sẽ ra mệnh lệnh. Và thế là, bạn “xè xè”.

Tất nhiên khả năng “bộ chỉ huy” nhận được thông tin của bạn vào ban ngày sẽ tốt hơn ban đêm rồi. Lý do là vào buổi tối nhiều khi “đường truyền bị nhiễu” khiến bạn “tè dầm”. Sự cố “đường truyền bị nhiễu” này thường được khắc phục khi chúng mình đã lớn. Các trường hợp “tè dầm” thường là do “bộ chỉ huy” nhận thông tin quá chậm hay truyền mệnh lệnh không kịp thời.

Nguyên nhân của chuyện “khó nói” này có thể là do bạn bị áp lực về tâm lý, quá căng thẳng thần kinh, di truyền từ bố mẹ hoặc dung tích và hoạt động “bể chứa nước” của bạn không được tốt.

Làm thế nào để hết “ tè dầm”?

Nếu bạn đang chịu một sức ép nào đó về tâm lý, hãy tâm sự với bố mẹ, bạn bè hoặc bác sĩ tâm lý để nhận được sự tư vấn và giúp đỡ kịp thời. Điều này không chỉ làm đầu óc được “thảnh thơi” mà căn bệnh “tè dầm” cũng sẽ dần biến mất.

Trong một số trường hợp khác, bạn phải học cách điều chỉnh dần các thói quen của mình. Sau khi ăn tối, bạn nên hạn chế uống nước hoặc ăn các thức ăn có chứa nhiều nước. Đi “tè” trước khi đi ngủ, đặt chuông báo thức hoặc nhờ bố mẹ gọi để dậy đi “tè”.

Nếu bạn đã áp dụng 101 các cách mà vẫn không thuyên giảm, hãy đến khám bác sĩ để được điều trị đúng cách. Bạn sẽ phải uống thuốc trong một thời gian dài nhưng chắc chắn bạn sẽ không còn phải “xí hổ” nữa. Trên thực tế có đến 95% người khỏi sau khi điều trị.

Lưu ý:

Bạn không nên uống các loại thuốc được gọi là “chữa mẹo” nếu không có sự đồng ý của bác sĩ. Nhiều khi cách này chỉ làm tình hình càng thêm “tình hình” mà thôi.

Bạn cũng đừng quá lo lắng về việc này. Chỉ cần bạn chăm tập thể dục thể thao, ăn uống điều độ, vui vẻ và lạc quan, “tè dầm” sẽ “bibi” bạn thui.