Yêu & ghen kiểu 9x

Thấy “người yêu cũ” và “tình địch” tay trong tay tan trường, T không chịu nổi cơn ghen. Hôm ấy, T đã rủ thêm một người bạn kiếm tình địch “nói chuyện”. Trong lúc hỗn chiến, B. đã dùng dao đâm chết kẻ đi “đánh ghen” mình.

Áo trắng trước vòng móng ngựa

- Dì, dì cưới nhỏ cho con đi!

Lời nói của thằng cháu mới 15 tuổi đầu làm cho người dì ngạc nhiên hết sức.

Mới học hết lớp 9, T. đã nghỉ ngang, suốt ngày chỉ biết chơi bời lêu lổng, giờ còn đòi “cưới vợ”. Hai ngày sau, người dì nghe tin: thằng T. đã bị đâm chết khi đi “đánh ghen”...

Trước phiên tòa, hai gia đình chưa từng gặp mặt nhau. Khi bị cáo mang tội danh “giết người” được dẫn vào, người dì của nạn nhân xót xa: “Nó còn trẻ thế kia, nhìn cao ráo sáng sủa thế kia, mà sao đến nông nỗi này!” Phía bên kia, mẹ của bị cáo cũng không còn nước mắt để khóc...

Chuyện tình tay ba của T, U và B (học sinh lớp 9 trường B. C - Q.3) đã từng gây xôn xao khắp trường. Trước đây, T và U “kết nhau”, nhưng khi T nghỉ học thì U “chuyển hướng” tình cảm qua B. Buồn bã, đau khổ, T càng sa đà vào những cuộc đỏ đen, thậm chí, mới 15 tuổi đầu đã học đòi hút chích. Nhiều lần lân la về trường cũ, thấy “người yêu cũ” và “tình địch” tay trong tay tan trường, T càng ghen tức hơn. Hôm ấy, không chịu nổi cơn ghen, T đã rủ thêm một người bạn kiếm tình địch “nói chuyện”. Trong lúc hỗn chiến, B. đã dùng dao đâm chết kẻ đi “đánh ghen” mình. Lẽ ra B là người bị đánh trước, không có lỗi gì trong vụ đánh ghen ngược ngạo của T, nhưng chỉ vì thiếu kiềm chế, sự việc đã không thể cứu vãn được. B đã trở thành kẻ sát nhân lãnh nhận án tù 3 năm 6 tháng cho hành vi “Giết người”. Ngồi lặng lẽ trong một góc phòng xử án, khi nghe tòa tuyên án, có một đứa con trai ôm mặt khóc nức nở. Đó là người bạn đã cùng T đi “đánh ghen”. Nếu như lúc đó người bạn này khuyên T nên chấp nhận mọi chuyện, hoặc can ngăn hai người không đánh nhau thì hậu quả không đến mức này...

Những án tù rồi sẽ qua, nhưng đằng sau những bản án của những bị cáo trẻ tuổi là những gánh nặng oằn lên vai cha mẹ. Căn nhà trọ ọp ẹp của gia đình B chưa bao giờ ngừng tiếng khóc kể từ ngày B. bị cho tay vào còng số 8. Gánh nặng B để lại cho bố mẹ nghèo khổ của mình là số tiền lên đến 34 triệu đồng bồi thường cho gia đình nạn nhân. Người bố bệnh tật quanh năm suốt tháng chỉ ở nhà phụ vợ đập đá bán cà phê. Có khi khó khăn, cả nhà phải chuyển sang bán vé số, rồi bán bánh mì... “Tôi làm gì có 34 triệu đồng, biết bao giờ mới trả cho xong?” Câu hỏi nức nở ấy của người mẹ nghèo khổ, B. có nghe không?

Một vụ án “đánh ghen” học trò khác cũng gây nhiều chuyện dở khóc dở cười. Do chuyển trường, tình cảm của A và N không còn thân thiết như trước. N quay sang “thích” H. Nghe người bạn cùng lớp kể H và N ngày nào cũng đi chơi, A càng nghĩ càng... ghen. A rủ thêm người bạn cùng xóm là T đi xem H là “thằng nào”. Cả ba tên học trò lớp 10 đứng chờ trước ngõ nhà N, khi H đi ra, người bạn cùng xóm của A cầm một cục đá to ném trúng đầu H làm H ngã lăn ra đường. Giám định thương tật cho biết H. bị thương tổn vĩnh viễn 32%. Án sơ thẩm, TAND Quận 8 tuyên phạt A: 3 năm 6 tháng tù, T cũng phải nhận 3 năm tù. Án sơ thẩm được cho là quá nhẹ, nên Viện KSND Quận đã kháng nghị xét xử lại để có một bản án nghiêm khắc hơn, nhằm răn đe giáo dục những con ngựa non háu đá. Cuối cùng, A đã phải nhận 4 năm tù, còn T bị 3 năm 6 tháng.

”Học trò mới bây lớn mà bày đặt... yêu rồi đánh ghen kiểu đó, vô tù là đúng rồi!” Đó là những lời xì xầm được nghe nhiều nhất tại hai phiên tòa trên. Đúng là, học trò bây giờ tập tành viết chữ “yêu” từ rất sớm; nhưng cũng như lứa tuổi sớm nắng chiều mưa, tình cảm ấy thường thay đổi như chong chóng. Và cái giá phải trả cho việc hôm nay còn nói “yêu”, ngày mai tự dưng “hết yêu” không chỉ là những “cú sốc” làm chấn thương tinh thần mà còn có thể dẫn đến những hành vi phạm tội nghiêm trọng. Đó sẽ là những bài học đắt giá, có khi phải trả bằng chính sinh mạng của mình.